TÌNH HÌNH BỆNH BẠCH HẦU – NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

Những ngày qua, Bộ Y tế ghi nhận nhiều ca mắc bạch hầu ở Bắc Giang và Nghệ An, trong đó đã có ca tử vong. Bạch hầu là một trong những bệnh gần như đã được xóa sổ tại Việt Nam nhờ vào chiến dịch Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn dịch Covid-19 với sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, “khoảng trống miễn dịch” xuất hiện tạo cơ hội cho căn bệnh nguy hiểm này quay trở lại.

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, ảnh hưởng chủ yếu đến hệ hô hấp trên. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp vết thương hở hoặc giả mạc…

Triệu chứng nhận biết bao gồm :

  • Sốt nhẹ, đau họng, ho khan: Đây là những triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.
  • Khó thở, thở khò khè: Do giả mạc dày ở thanh quản gây tắc nghẽn đường thở.
  • Mệt mỏi, chán ăn, sưng hạch cổ: Đây là những triệu chứng thường gặp.
  • Giả mạc màu xám trắng: Xuất hiện ở mũi, họng, thanh quản, là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu.

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!