Sỏi túi mật

Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật là những viên sỏi nhỏ được hình thành bên trong túi mật. Hiện nay tại Việt Nam, sỏi túi mật là một trong những bệnh thường gặp nhất của bệnh lý đường tiêu hóa. Chúng có thể bé như một hạt cát hoặc rất to, sỏi túi mật được chỉ định phẫu thuật khi siêu âm kích thước viên sỏi ≥ 15mm, hoặc sỏi túi mật có triệu chứng đau kéo dài, gây viêm túi mật mãn tính hay những biến chứng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân thì cần phải tiến hành phẫu thuật, bất kể kích thước sỏi túi mật nhỏ hay lớn.

Sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm phụ thuộc chủ yếu vào kích thước, vị trí sỏi. Nếu sỏi mật có kích thước nhỏ và không chứa canxi, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc uống axit ursodeoxycholic để hòa tan sỏi.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, sỏi với kích thước lớn có thể ngăn chặn đường vận chuyển mật tự nhiên. Tình trạng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tránh biến chứng xảy ra.

Sỏi túi mật bao nhiêu mm thì nguy hiểm?

Kích thước sỏi túi mật rất đa dạng. Sỏi túi mật được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa lượng cholesterol và muối mật trong dịch mật. Kích thước sỏi là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định mức độ nguy hiểm của sỏi cũng như cân nhắc can thiệp phẫu thuật.

Những viên sỏi < 4 – 6mm có thể không gây ra triệu chứng hay gây hại cho sức khỏe, nhưng vẫn hiển thị trên các xét nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên, một số sỏi mặc dù kích thước nhỏ vẫn có thể gây tắc ống túi mật, hoặc rơi xuống đường mật gây tắc ống mật chủ gây ra tình trạng viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp do sỏi mật.

Sỏi mật với kích thước trung bình: đường kính 6 – 10mm có thể xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Nguy cơ sỏi này gây biến chứng cũng cao hơn, đặc biệt là sỏi từ 8mm trở lên.
Sỏi lớn thường có đường kính > 10mm. Phẫu thuật thường được khuyến nghị thực hiện đối với sỏi có đường kính 12 – 14mm.

 

Phòng ngừa sỏi túi mật

Chất béo tốt

Tiêu thụ quá nhiều chất béo sẽ làm gan tăng đào thải cholesterol (thành phần chính sỏi túi mật). Nhưng ngược lại, không sử dụng chất béo sẽ làm tăng kích thước sỏi mật, bởi dịch mật không hề được đưa xuống ruột non. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thay vì tiêu thụ chất béo xấu, thì lựa chọn sử dụng chất béo tốt với lượng vừa phải sẽ giúp giữa được túi mật khỏe mạnh. Nguồn chất béo tốt bạn nên lựa chọn gồm dầu oliu, dầu dừa. Bạn có thể dùng các loại dầu này để chế biến món ăn, nhưng chỉ nên sử dụng khoảng 1 – 2 muỗng cà phê dầu/ngày. Nguồn chất béo tốt cũng được tìm thấy trong các loại dầu hạt cải, quả bơ, hạt điều, hồ đào và cá biển (cá hồi, cá thu).

Protein (chất đạm)

Thay vì sử dụng protein có trong thịt, cá, trứng, sữa… bạn có thể lựa chọn nguồn protein có nguồn gốc từ thực vật như đậu tương, gạo, mì, ngô và các loại hạt khác.

Tăng cường chất xơ

Người bệnh sỏi túi mật nên tiêu thụ 30 – 40g chất xơ mỗi ngày. Giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tiêu hóa, phòng táo bón, tiêu chảy và làm chậm hấp thu chất béo sau khi ăn.

Sau đây là một số lưu ý khi chọn chất xơ

  • Đặt mục tiêu tiêu thụ tốt thiểu 3 khẩu phần rau xanh và 2 khẩu phần trái cây trong ngày. Một khẩu phần tương đương 15g. Bạn nên ăn trái cây vào bữa sáng, bữa ăn phụ, ăn rau vào bữa trưa, tối và có thể cả bữa sáng.
  • Nên chọn các loại rau giàu chất xơ như cải bó xôi, bông cải xanh, đập bắp, đậu lăng… Nên ăn trái cây nguyên quả, chẳng hạn như cam, bưởi, mâm xôi, dâu tây, quýt…
  • Nếu bạn yêu thích ăn vặt, đừng chọn bánh kẹo ngọt mà nên ăn hạt hướng dương, hạt bí, hồ đào, hạnh nhân…

Uống nhiều nước

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bụng khó chịu, đau nhẹ hạn sườn phải, bạn nên ngay lập tức uống một cốc nước lớn, các cơn đau có thể giảm sau 1h. 

Ca lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn

Giữa tháng 1 năm 2024, Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh nhân tên H.T.M.N (52 tuổi) vào viện vì đau âm ĩ hạ sườn (P) kéo dài với bệnh lý sỏi túi mật đã phát hiện trước đó qua thăm khám định kỳ.

Qua thăm khám và kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có viên sỏi lớn D= 20 mm trong lòng túi mật, thành túi mật có vài cấu trúc echo dày, dài dạng đuôi sao chổi.

Ekip thực hiện phẫu thuật BS.CKI Nguyễn Đức Thông và Ths.BS Nguyễn Chí Hiếu. Quá trình phẫu thuật điều trị sỏi túi mật người bệnh được tiến hành nội soi cắt túi mật và gửi giải phẫu bệnh.

 

Sau phẫu thuật bệnh nhân được nằm điều trị nội trú tại khoa Ngoại và được các bác sĩ thăm khám mỗi ngày.

Bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ giảm đau nhiều và xuất viện sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Hoàng Tuấn.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!


Bác sĩ CKII. Nguyễn Hữu Thuấn – Trưởng khoa Ngoại PT GMHS – Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn
Thạc sĩ Bác sĩ. Nguyễn Chí Hiếu

Tài liệu tham khảo:

1.    Trần Vĩnh Hưng (2017), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý sỏi túi mật”, Bệnh viện Bình Dân, tr. 163-171.
2.    Clavien P.A, Baillie J (2006), “Diseases of the Gallbladder and Bile Ducts: Diagnosis and Treatment”, 2nd edition, Blackwell Publishing, pp 219-238.
3.    Ravi S. C., Shimul A. S (2007), “Biliary system Text book of surgery”, 18th edition, Saunders, pp 1556-1567.