Tán sỏi ngoài cơ thể

Sỏi tiết niệu là một căn bệnh tương đối thường gặp, nhất là đối với những người ở tuổi trung niên, nó có thể không gây triệu chứng gì nhưng cũng có thể gây ra nhiều cơn đau nghiêm trọng và cả những biến chứng nguy hiểm. Để điều trị sỏi tiết niệu một cách hiệu quả Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn đã trang bị hệ thống tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), một phương pháp tán sỏi không xâm lấn rất được ưa chuộng hiện nay, vậy tán sỏi ngoài cơ thể là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Sỏi tiết niệu là gì? Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và có thể được bài tiết ra ngoài nếu kích thước sỏi nhỏ. Có 4 vị trí của sỏi tiết niệu tương xứng với tên gọi của nó: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.  

(Nguồn ảnh: Punnoose AR, Golub RM, Lynm C. Kidney Stones. JAMA. 2012;307(23):2557.)

Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi [1]. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như ở nữ giới.  Khi hệ tiết niệu bắt đầu hiện tượng lắng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ thường đi theo đường tiểu và được bài tiết ra ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường niệu, tinh thể hoặc viên sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi có kích thước lớn dần, có thể làm cản trở dòng lưu thông của nước tiểu dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn gây ra nhiều biến chứng và phá huỷ dần cấu trúc thận.

Những ai có nguy cơ cao bị sỏi tiết niệu?

Sỏi tiết có thể gặp ở tất cả mọi người, tuy nhiên những người có yếu tố nguy cơ sau làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu [2]:

  • Chế độ ăn:
    • Nhiều đạm động vật
    • Uống ít nước.
    • Sử dụng các thực phẩm có nhiều oxalat (chè, đậu bắp, khoai lang,…)
  • Những người bị nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần.
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi tiết niệu.
  • Dị tật bẩm sinh về cấu trúc đường tiết niệu.
  • Làm việc ở ngoài trời trong thời tiết nắng nóng.
  • Mắc một số bệnh lý như: Cường tuyến cận giáp, đái tháo đường, tăng acid uric máu, hội chứng chuyển hóa,…

Những dấu hiệu gợi ý đang mắc sỏi tiết niệu?

  • Cơn đau quặn thận: Đau vùng hông lưng đột ngột, dữ dội, lan ra trước – xuống dưới, thường xuất hiện sau khi gắng sức, người bệnh đau quằn quại, vật vã tìm nhiều tư thế để giảm đau. Có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn trong khi đau.
  • Tiểu ra máu: Những viên sỏi có bề mặt nhám, có thể tác động đến đường tiểu gây tổn thương đường tiểu dẫn đến tiểu ra máu nhất là khi bệnh nhân hoạt động mạnh.
  • Đau khi đi tiểu do sỏi thận di chuyển từ niệu quản vào bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu. Bế tắc đường tiểu: Bao gồm bí tiểu, bế tắc thận, thận ứ nước căng to. Các dấu hiệu trên chỉ là những triệu chứng gợi ý, để xác định chẩn đoán bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và thực hiện các phương pháp cận lâm sàng như X quang, siêu âm ổ bụng hoặc CT ổ bụng để chẩn đoán chính xác và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu.

Tùy vào kích thước vị trí sỏi mà sẽ phù hợp với các phương pháp điều trị khác nhau:

  • Thay đổi lối sống: Khi kích thước sỏi nhỏ, chưa có biến chứng, bác sĩ sẽ khuyên bạn thay đổi lối sống như uống nhiều nước, tập thể dục thể thao,… Và theo dõi lại sau một thời gian.
  • Nội khoa: sử dụng thuốc để hỗ trợ đào thải sỏi ra khỏi cơ thể
  • Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL): phương pháp sử dụng sóng xung kích bên ngoài cơ thể để phá vỡ viên sỏi.
  • Tán sỏi nội soi ngược dòng: Dùng thiết bị nội soi, đi vào bằng đường tiết niệu, tiếp cận và phá vỡ viên sỏi.
  • Lấy sỏi thận qua da: Tiếp cận sỏi bằng cách tạo một đường dẫn từ da vào thận.
  • Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: tiếp cận và lấy sỏi bằng cách mổ nội soi hông lưng.
  • Nội soi ổ bụng lấy sỏi: tiếp cận và lấy sỏi bằng cách mổ nội soi ổ bụng.
  • Mổ hở lấy sỏi.

Tán sỏi bằng phương pháp ESWL.

ESWL là phương pháp loại bỏ sỏi duy nhất mà hoàn toàn không xâm lấn đến bệnh nhân, là phương pháp điều trị phổ biến đối với sỏi tiết niệu nhỏ, đơn độc, không biến chứng.  Nguyên lý tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng thiết bị tạo sóng xung kích tập trung vào viên sỏi và phá hủy viên sỏi này thành nhiều mảnh nhỏ, các mảnh vụn của sỏi sau đó được đào thải qua đường tiểu.

Ưu điểm của phương pháp ESWL:

  • Không cần phẫu thuật, không xâm lấn.
  • Ít đau, thời gian nằm viện ngắn.
  • Ít gây tổn thương đến thận và niệu quản.
  • Có thể lặp lại nhiều lần, điều này có ý nghĩa vì sỏi tiết niệu dễ tái phát.

Nhìn chung loại bỏ sỏi bằng ESWL là phương pháp hiện đại, là lựa chọn đầu tay cho bệnh nhân nếu như kích thước, vị trí và độ cứng của sỏi phù hợp với chỉ định.

Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn cung cấp dịch vụ tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng thiết bị HK.ESWL-V hiện đại với những ưu điểm nổi bật.

Bác sĩ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ Trần Huỳnh Tuấn đang chuẩn bị thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể tại Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn

Có hệ thống định vị kép bằng cả tia X và siêu âm để định vị chính xác vị trí sỏi giúp việc tán sỏi dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Hình ảnh sỏi ghi nhận bằng tia X (trái) và siêu âm (phải)

Nguồn tạo sóng xung kích với 2 nguồn năng lượng là thuỷ lực và điện từ đảm bảo năng lượng nhất quán, cường độ đáng tin cậy giúp tăng khả năng phá vỡ sỏi, hạn chế nguy cơ phải tán sỏi lại.

Khả năng tùy chỉnh cao có thể thay đổi hướng hệ thống định vị bằng tia X (C-arm) và thay đổi độ cao thấp của giường nằm giúp dễ dàng phát hiện và tán sỏi tránh việc thay đổi quá nhiều tư thế của bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn, được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi.


Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: 0971 070 115 Thạc sĩ bác sĩ CKII Trần Huỳnh Tuấn, chuyên khoa ngoại niệu – nam khoa. Lịch làm việc tại bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn: Chủ nhật hàng tuần.


Tác giả Bác sĩ Trần Ngọc Khởi. Tài liệu tham khảo [1] Scales, Charles D Jr et al. “Prevalence of kidney stones in the United States”, European urology vol. 62,1 (2012): 160-5.  [2] Ramesh Aggarwal, Anshuman Srivastava, Sachin Kumar Jain, Ritika Sud, Rati Singh. “Renal stones: A clinical review”, EMJ Urol. 2017;5[1]:98-103.