BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH
1. BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN LÀ GÌ?
– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc phế nang (khí phế thũng) gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển.
– Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm đường thở làm cản trở không khí thoát ra khỏi phổi. Hen là cũng là 1 tình trạng gây hẹp đường thở, đặc trưng bởi ho kinh niên, khò khè và tắc nghẽn luồng không khí nhưng là một bệnh lý khác với BPTNMT.
– Phổi của người trưởng thành được tạo thành từ hơn 300 triệu phế nang, dạng túi khí nhỏ, sắp xếp như chùm nho ở đầu các ống dẫn khí. Phế nang có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi khí của phổi. Khi hít vào, phế nang mở rộng chứa không khí. Khi thở ra, phế nang co lại kích thước ban đầu, đẩy không khí ra ngoài. Khi khí phế thũng, nhu mô phổi bị huỷ hoại dẫn tới vách phế nang bị tổn thương, giảm đàn hồi, làm tăng xu hướng xẹp đường thở. Trong khi đó, viêm phế quản mạn gây viêm, hẹp các ống phế quản, tạo điều kiện cho chất nhầy tích tụ.
2. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH:
– Các triệu chứng của BPTNMT thường không xuất hiện cho đến khi có tổn thương phổi đáng kể. Lúc đầu, các triệu chứng nhẹ hơn như ho từng cơn, khó thở khi gắng sức. Khi tiến triển, các triệu chứng diễn ra thường xuyên với ho liên tục, khó thở cả khi nghỉ ngơi.
– Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
+ Khó thở, gắng sức để thở, cảm giác thiếu hụt không khí, nặng ngực, tăng lên khi gắng sức (leo cầu thang, tập thể dục, mang vật nặng…)
+ Thở khò khè
+ Ho mạn tính là triệu chứng đặc trưng nhất của BPTNMT
+ Tăng tiết đờm, nhất là buổi sáng
+ Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp
+ Mệt mỏi
+ Giảm cân không giải thích được (thường ở giai đoạn muộn)
+ Sưng ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân (thường ở giai đoạn muộn)
– Một số người bị BPTNMT cấp tính có các triệu chứng nặng hơn so với bình thường và kéo dài ít nhất vài ngày. Một số triệu chứng dưới đây cần được theo dõi và điều trị sớm:
+ Khó thở hoặc ho nặng hơn bình thường; cơn khó thở ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
+ Ho đờm mủ
+ Sốt
3. NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH:
– Khói thuốc lá được biết đến là nguyên nhân chủ yếu gây ra BPTNMT (bao gồm hút thuốc chủ động và thụ động). Ở phần lớn những người bị tổn thương phổi dẫn đến BPTNMT đều đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc trong một thời gian dài. Thời gian hút thuốc càng lâu, số lượng hút càng nhiều thì nguy cơ bị BPTNMT càng cao.
– Ngoài thuốc lá thì thuốc lào, xì gà, cần sa, thuốc lá điện tử… cũng có thể gây ra BPTNMT.
– Một số yếu tố nguy cơ sau có thể gây ra hoặc làm BPTNMT nặng thêm:
+ Hen suyễn và viêm phế quản co thắt có thể phát triển thành BPTNMT, đặc biệt khi có hút thuốc lá thì nguy cơ diễn tiến thành BPTNMT càng cao.
+ Môi trường tiếp xúc với khói bụi, khí độc có thể gây hại cho phổi và làm tăng nguy cơ mắc BPTNMT.
– Một số chất được cho là có liên quan đến BPTNMT như:
+ Bụi và khói cadmium (ứng dụng trong công nghiệp khai thác, luyện kim, làm pin…); hạt và bụi bột; bụi silica (ứng dụng trong sản xuất thủy tinh, xi măng…); khói hàn; Isocyanates (ứng dụng trong xây dựng, phụ gia…); bụi than; tiếp xúc với bụi, khói do đốt cháy nhiên liệu sinh khối (biomass) hoặc than để nấu nướng, sưởi ấm có nguy cơ mắc BPTNMT cao hơn.
+ Di truyền: khoảng 1% những người bị BPTNMT có liên quan đến rối loạn di truyền gây ra thiếu alpha-1-antitrypsin hoặc các yếu tố di truyền khác.
4. CHẨN ĐOÁN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH:
– BPTNMT được chẩn đoán dựa trên các yếu tố: tiền sử, triệu chứng, kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng. Những người có các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, thở khò khè, có hoặc không tiết đờm dai dẳng, thường xuyên mệt mỏi cần đến bệnh viện khám.
– Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm một vài hoặc tất cả các xét nghiệm dưới đây:
+ Chụp X-quang phổi
+ Đo hô hấp ký: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ BPTNMT
+ Chụp CT scan ngực
+ Điện tâm đồ
+ Siêu âm tim
+ Đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2)
+ Đo khí máu động mạch
5. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH LÀ GÌ?
– Có nhiều hệ thống phân loại, tuy nhiên phân loại GOLD được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của BPTNMT và giúp xác định kế hoạch điều trị. Dưới đây là bảng Mức độ tắc nghẽn đường thở theo GOLD 2024:
– Ngoài ra, BPTNMT còn có thể được phân loại dựa vào triệu chứng khó thở và số lần trở nặng trong 1 năm.
6. ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH VÀ PHÒNG NGỪA:
– Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị BPTNMT, dùng đường phun, hít hoặc khí dung. Trong trường hợp bệnh nhân BPTNMT có suy hô hấp cần thở oxy dài hạn tại nhà hoặc thở máy.
– Kháng sinh: Sử dụng khi người bệnh có các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở phế quản phổi.
– Bệnh nhân cần tái khám định kỳ để theo dõi chức năng hô hấp, đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện các bệnh đồng mắc để điều trị kịp thời.
– Các biện pháp khác bao gồm:
+ Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà, cần sa, thuốc lá điện tử; khói bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc…
+ Cai thuốc lá, thuốc lào bằng chiến lược tư vấn và sử dụng thuốc hỗ trợ.
+ Tập vật lí trị liệu hô hấp: tập thở, tập vận động.
+ Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp: vắc xin cúm mỗi năm, vắc xin ngừa phế cầu mỗi 5 năm, tiêm ngừa RSV mỗi năm.
Hiện nay, Bệnh Viện Đa Khoa Hoàng Tuấn đã triển khai Đo hô hấp kí – đây là phương pháp cơ bản để chẩn đoán rối loạn thông khí và là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán xác định BPTNMT, cũng như chẩn đoán phân biệt hen và BPTNMT. Ngoài ra, hô hấp ký cũng là phương pháp hiệu quả để tầm soát bệnh phổi ở những đối tượng có nguy cơ.
Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !
______________________________________________________________________________________________________
Bác sĩ CKI. Tăng Triều Xuân Vũ
Bác sĩ. Huỳnh Thị Bảo Ngân
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y Tế (2023), Quyết định số 2767/QĐ-BYT về Chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Hà Nội.
- Venkatesan P. (2024). GOLD COPD report: 2024 update. The Lancet. Respiratory medicine, 12(1), 15–16.