CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RUNG NHĨ
1/ Tổng quan
Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trong cộng đồng và thường gây ra những biến chứng nặng nề làm bệnh nhân có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Rung nhĩ có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Bệnh nhân suy tim có kèm theo rung nhĩ tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%. Tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi nhưng tăng lên tới 1,5 – 2% ở người trên 80 tuổi.
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng rõ rệt, nhiều trường hợp bệnh nhân có kèm theo rung nhĩ đã gây những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán và chiến lược điều trị rung nhĩ cần phải được thống nhất để giảm thiểu tối đa biến chứng của rung nhĩ, đem lại cuộc sống với chất lượng tốt hơn cho bệnh nhân.
2/ Đặc điểm lâm sàng
Bệnh nhân rung nhĩ có thể có nhiều mức độ triệu chứng khác nhau, nhưng 50-87% số trường hợp không triệu chứng trong giai đoạn đầu. Triệu chứng của cơn rung nhĩ mới khởi phát chưa được nghiên cứu đầy đủ và có thể ảnh hưởng bởi điều trị. Rung nhĩ tái phát thường có tỷ lệ không triệu chứng cao hơn. Các biến cố liên quan đến rung nhĩ có thể gặp bao gồm: Đột quỵ não/tắc mạch, rối loạn chức năng thất trái và suy tim, tăng tỷ lệ nhập viện, giảm chất lượng cuộc sống, rối loạn nhận thức/sa sút trí tuệ, tử vong.
3/ Chẩn đoán
Bằng chứng ghi nhận điện tâm đồ rung nhĩ là cần thiết để thiết lập chẩn đoán rung nhĩ. Ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo hoặc theo dõi điện tâm đồ một chuyển đạo ≥ 30 giây cho thấy nhịp tim mà không có sóng P lặp lại rõ ràng và khoảng thời gian RR không đều (khi dẫn truyền nhĩ thất không bị tổn thương) là đủ để chẩn đoán rung nhĩ trên lâm sàng.
4/ Điều trị
- Kiểm soát tần số thất.
- Chuyển rung nhĩ về nhịp xoang.
- Dự phòng huyết khối.
- Mục đích của điều trị là làm cải thiện triệu chứng, phòng chống đột quỵ, giảm thời gian và số lần điều trị tại bệnh viện.
- Một số nguyên nhân gây cơn rung nhĩ chỉ cần điều trị khỏi nguyên nhân mà không cần phải điều trị rung nhĩ lâu dài như: viêm cơ tim,…
- Bệnh nhân rung nhĩ không dung nạp khi đã điều trị tối ưu cần được tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia về điện sinh lý học tim để có biện pháp can thiệp tích cực hơn.
5/ Phòng ngừa
Phòng ngừa thuyên tắc huyết khối là mục tiêu quan trọng trong điều trị bệnh nhân rung nhĩ. Các hướng dẫn hiện tại của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ/Đại học Tim mạch Hoa Kỳ/Hiệp hội Nhịp tim khuyến nghị sử dụng thang điểm CHA2DS2-VASc và các yếu tố tim mạch cụ thể để hướng dẫn điều trị thuyên tắc huyết khối.
Các biện pháp dài hạn ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối được thực hiện đối với một số bệnh nhân rung nhĩ tùy thuộc vào nguy cơ đột quỵ ước tính so với nguy cơ chảy máu (ví dụ: theo thang điểm CHA2DS2-VASc và công cụ HAS-BLED ).
Chuyển nhịp rung nhĩ bằng thuốc chống loạn nhịp hoặc sốc điện chuyển nhịp DC có nguy cơ cao hơn đối với các biến cố thuyên tắc huyết khối. Khi một bệnh nhân rung nhĩ không được điều trị bằng thuốc chống đông thì cần phải cân nhắc thêm việc sốc điện chuyển nhịp. Trong trường hợp rối loạn huyết động do rung nhĩ nhanh, có thể tiến hành chuyển nhịp cấp cứu ngay. Khi đó, thuốc chống đông nên được chỉ định cho bệnh nhân càng sớm càng tốt và kéo dài 4 tuần sau đó. Nếu khởi phát đợt rung nhĩ hiện tại rõ ràng trong vòng 48 tiếng, thì sốc điện chuyển nhịp có thể tiến hành mà không cần dùng thuốc chống đông trước hoặc sau đó ở nam giới có điểm CHA2DS2-VASc là 0 và ở nữ giới có điểm CHA2DS2-VASc là 1 (khuyến nghị loại IIb).
Nếu khởi phát cơn rung nhĩ hiện tại không rõ ràng trong vòng 48 tiếng, bệnh nhân cần phải được dùng thuốc chống đông máu trong 3 tuần trước và trong ít nhất 4 tuần sau khi sốc điện chuyển nhịp bất kể nguy cơ đã dự đoán bị biến cố thuyên tắc huyết khối của bệnh nhân (khuyến nghị loại I). Ngoài ra, bắt đầu điều trị chống đông, thực hiện siêu âm tim qua thực quản (TEE) và nếu không thấy cục máu đông ở tâm nhĩ trái hoặc ở tiểu nhĩ trái, có thể thực hiện sốc tim chuyển nhịp, sau đó điều trị bằng thuốc chống đông ít nhất 4 tuần (khuyến nghị nhóm IIa).
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn đã trang bị đầy đủ các thiết bị chẩn đoán và theo dõi điều trị dành cho các bệnh nhân rung nhĩ. Song đó, việc tổ chức khám tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, xét nghiệm INR theo dõi điều trị thuốc kháng đông đường uống và siêu âm Doppler tim mạch tầm soát sự xuất hiện của huyết khối ở buồng tim cũng là những công tác luôn được chú trọng trong việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn.
Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !
BS CKI. Nguyễn Phước Hiếu
BS. Thạch Minh Hùng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Khuyến cáo Cập nhật chẩn đoán và điều trị Rung nhĩ, Hội tim mạch học Việt Nam 2022.
- Management of Patients with Atrial Fibrillation. A report of the American College of Cardiology/ American Heart Association Task force on practice guidelines and the European Society of Cardiology Committee for Practice guidelines, Developed in collaboration with the European Heart Rhythm Association and the Heart Rhythm Society. ACC/AHA/ESC 2022.
- Practical Rate and Rhythm Management of Atrial Fibrillation, Management of Patients with Atrial Fibrillation. ACC/AHA/ESC 2020.