Đột quỵ não

Đột Quỵ Não

1. TỔNG QUAN

Định nghĩa:

– Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hay tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương chức năng thần kinh xảy ra đột ngột do tổn thương mạch máu não (thường tắc hay vỡ động mạch não). Các tổn thương thần kinh thường khu trú hơn là lan toả, tồn tại quá 24 giờ, hoặc diễn biến có thể nặng, tử vong trong vòng 24 giờ. Trên lâm sàng đột quỵ não được chia làm 2 thể sau:

  •   Đột quỵ thiếu máu não (hay còn gọi là nhồi máu não) chiếm khoảng 80%.
  •   Đột quỵ xuất huyết não: xuất huyết thuỳ não, xuất huyết dưới nhện.

Dịch tễ:

– Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

– Đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ. Mặc dù đột quỵ thường được coi là bệnh lý của người có tuổi nhưng 1/3 số đột quỵ xảy ra ở người dưới 65 tuổi. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi.

Nguyên nhân:

– Thiếu máu não cục bộ:

  • Bệnh tim gây lấp mạch não: rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, hẹp van 2 lá, van nhân tạo, bệnh cơ tim dãn nở, suy tim ứ huyết…
  • Bệnh mạch máu lớn: xơ vữa động mạch, gây tắc hoặc lấp mạch.
  • Bệnh mạch máu nhỏ (nhồi máu lỗ khuyết): tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm động mạch.
  • Bệnh huyết học: tăng hồng cầu nguyên phát, bệnh tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh hồng cầu liềm…

– Xuất huyết não:

  • Ở người trung niên và lớn tuổi, tăng huyết áp là nguyên nhân chính; người già nguyên nhân có thể là thoái hóa dạng bột, u não.
  • Ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu là dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch, rối loạn đông máu.

– Xuất huyết khoang dưới nhện: nguyên nhân chủ yếu là vỡ túi phình động mạch.

Các yếu tố nguy cơ:

– Các yếu tố không thay đổi được: tuổi, giới, chủng tộc, tiền sử đau nửa đầu kiểu migraine, loạn sản xơ cơ, yếu tố di truyền,…

– Các yếu tố thay đổi được: đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, hút thuốc, bệnh tim mạch, cơn thiếu máu não thoáng qua, rối loạn đông máu…

2. CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng:

– Bệnh cảnh điển hình là khởi phát đột ngột, tiến triển với các khiếm khuyết thần kinh liên quan đến tổn thương một vùng não theo phân bố tưới máu của động mạch. Khi hỏi bệnh sử, cần lưu ý:

  •   Xác định triệu chứng chính của người bệnh, nhất là triệu chứng tê, yếu liệt tay hoặc chân, rối loạn ngôn ngữ.
  •   Thời điểm khởi phát triệu chứng và hoàn cảnh phát bệnh (đang ngủ, hoạt động gắng sức…).
  •   Kiểu khởi phát (thường là đột ngột) và những sự kiện có thể thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh hơn (gắng sức, cao huyết áp, tụt huyết áp…).
  •   Thời gian xuất hiện từng triệu chứng và diễn tiến của chúng, chú ý đặc biệt đến các rối loạn ý thức và các triệu chứng mới xuất hiện thêm.
  •   Lưu ý các triệu chứng đau đầu, nôn ói, co giật, chú ý xác định có ngã chấn thương lúc khởi phát không, đặc biệt là chấn thương đầu.

 Các triệu chứng thường gặp:

  • Đau đầu: trong tai biến mạch máu não thường đột ngột, đạt cường độ đau ngay những phút đầu, giờ đầu.
  • Chóng mặt.
  • Rối loạn thị giác: thường gặp là mất thị giác và nhìn đôi.
  • Rối loạn ngôn ngữ.
  • Rối loạn cảm giác: thường gặp là triệu chứng tê.
  • Yếu và liệt nửa người.
  • Rối loạn ý thức và hôn mê.

Thang điểm NIHSS (National Institutes of Health Stroke Scale) là một công cụ hữu ích dùng để lượng giá mức độ suy giảm chức năng thần kinh, gồm 6 yếu tố chính. Tổng điểm NIHSS 42 điểm, bệnh nhân đột quỵ nhẹ có điểm NIHSS <5 điểm và nặng là trên 24 điểm.

Cận lâm sàng:

  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não: Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và đột quỵ Hoa Kỳ thì chụp cắt lớp vi tính đóng vai trò là công cụ hình ảnh quan trọng nhất trong thăm khám ban đầu ở bệnh nhân đột quỵ não.

 

 

 

Hình 1. Nhồi máu não và xuất huyết não trên CT-Scan

(Quyết định số 5331/QĐ-BYT Về việc ban hành” Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Xử Trí Đột Quỵ Não”)

  •   Chụp cộng hưởng từ sọ não.
  •   Chụp mạch máu não (CT mạch não).
  •   Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: Siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm tim, chụp động mạch não qua da, X-quang ngực, …

3. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

  • Đánh giá và ổn định tổng trạng: Đánh giá và ổn định tình trạng hô hấp, tuần hoàn, và các yếu tố khác như glucose máu,….
  • Cung cấp oxy khi cần thiết
  • Kiểm soát huyết áp: Kiểm soát huyết áp để duy trì sự ổn định cho bệnh nhân
  • Tái tưới máu: Sử dụng các phương pháp tái tưới máu và thuốc tiêu sợi huyết để ngăn chặn sự phát triển của tổn thương.
  • Dự phòng biến chứng: Điều này bao gồm kiểm soát thân nhiệt, chống phù não, chống động kinh và sử dụng thuốc dự phòng huyết khối.
  • Điều trị phẫu thuật: Nếu cần thiết, phẫu thuật nên được thực hiện sớm để giảm thiểu tổn thương và nguy cơ tử vong. Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối máu tụ lớn hoặc giảm áp lực nội sọ.

4. BIẾN CHỨNG

– Phù não, tăng áp lực nội sọ, tụt kẹt não, xuất huyết não thứ phát…

– Xuất huyết não, tiêu hóa hoặc tiết niệu sau dùng thuốc chống đông.

– Các biến chứng khác bao gồm viêm phổi, tắc tĩnh mạch.

– Nhiều bệnh nhân đột quỵ bị trầm cảm, do vậy cần quan tâm phát hiện sớm kịp thời. Việc này vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân, gia đình.

5. DỰ PHÒNG

Truyền thông giáo dục sức khoẻ cho người bệnh: Hội đột quỵ Hoa Kỳ (ASA) khuyến cáo người dân nhận biết được các dấu hiệu thường gặp và gọi ngay cấp cứu khi xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu mặt, tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.

 

Hình 2. Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ

(https://www.physio-pedia.com/Stroke:_Assessment)

  • F (Face): Khuôn mặt – Yêu cầu người nghi ngờ đột quỵ cười hoặc để lộ răng. Xem khuôn mặt của họ có bị méo mó ở một bên không? Một bên mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
  • A (Arms): Cánh tay – Yêu cầu người bệnh giơ cả hai cánh tay lên. Có một cánh tay không thể nâng lên hoặc bị rơi xuống, không thể giơ hai tay lên cao qua khỏi đầu là một trong những dấu hiệu đột quỵ phổ biến nhất.
  • S (Speech): Lời nói – Người có dấu hiệu đột quỵ thường khó phát âm một câu đơn giản/ Người bệnh có thể nói lắp, khó hiểu hoặc họ không thể nói gì cả.
  • T (Time): Thời gian – Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi phút đối với người bị đột quỵ đều quý giá và việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi.

Dự phòng đột quỵ 

  • Dự phòng tiên phát đối với những người chưa bị đột quỵ, gồm những biện pháp như dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, điều trị rối loạn lipid máu bằng statin, cai thuốc lá và tập thể dục…
  • Dự phòng thứ phát:
  • Bệnh nhân bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) nên kiểm tra bệnh tiểu đường và béo phì và hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Bệnh nhân bị đột quỵ không rõ nguyên nhân nên theo dõi lâu dài để xác định cơn rung nhĩ.
  • Với bệnh nhân rung nhĩ do bệnh van tim phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K.
  • Không cần thiết phải đóng lỗ bầu dục ở những người không bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (để đề phòng tắc mạch nghịch thường).
  • Không có bằng chứng làm tăng HDL-C của niacin, fibrat nên không khuyến cáo sử dụng.
  • Điều trị kháng tiểu cầu an toàn và hiệu quả trong việc giảm tái phát đột quỵ và các biến cố mạch máu khác.

Đột quỵ não vô cùng nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, bạn nên liên hệ cấp cứu càng sớm càng tốt để người bệnh có thể được cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng. Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và đột quỵ Hoa Kỳ thì chụp cắt lớp vi tính đóng vai trò là công cụ hình ảnh quan trọng nhất trong thăm khám ban đầu ở bệnh nhân đột quỵ não. Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn là tuyến y tế có trang bị đầy đủ các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, có thể giúp bệnh nhân khám và phát hiện bệnh lý đột quỵ não trong giai đoạn sớm. Bệnh viện còn đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại cho việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ não như máy CT-Scan 160 lát cắt, MRI,…Quý khách hàng có thể đến bệnh viện để được khám tư vấn và tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, sớm phát hiện và kịp thời phòng ngừa.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !

_______________________________________________________________________________________________________

Bác sĩ. Nguyễn Văn Quang Khải
Bác sĩ. Trần Nguyên Minh Khoa 

Tài liệu tham khảo: 

  1. Bộ Y Tế (2020), Quyết định số 5331/QĐ-BYT Về việc ban hành Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Xử Trí Đột Quỵ Não, Hà Nội.
  2. TS.BS.Nguyễn Huy Thắng, TS.BS.Nguyễn Bá Thắng (2023), “Hướng dẫn điều trị cấp cứu đột quỵ não”, Khuyến cáo điều trị đột quỵ và cơn thiếu máu não thoáng qua 2023, pp 37-65.
  3. Oliveira MD, Michael TM (2023), “Initial assessment and management of acute stroke”, last update: Mar 15, 2023. (Accessed on 24/01/20224).
  4. Tadi P, Lui F. Acute Stroke (Cerebrovascular Accident). Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535369/ (last accessed 15.1.2020)).