BƯỚU NHÂN TUYẾN GIÁP
Bướu nhân tuyến giáp là các khối nhân đặc hoặc chứa đầy chất lỏng hình thành trong tuyến giáp, một tuyến nhỏ nằm ở nền cổ, ngay phía trên xương ức của bạn. Hầu hết các nhân tuyến giáp không nguy hiểm và không gây ra triệu chứng. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ các nhân tuyến giáp là nhân ung thư.
Phụ thuộc vào kết quả tế bào học tế bào nhân giáp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bướu nhân tuyến giáp.
1. Nguyên nhân thường dẫn đến bướu nhân tuyến giáp?
– Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của bướu nhân tuyến giáp có thể là do:
+ Mô tuyến giáp phát triển quá mức và trở thành khối u tuyến giáp.
+ Viêm tuyến giáp mạn tính: hay còn gọi là bệnh Hashimoto, một tình trạng rối loạn tuyến giáp có khả năng hình thành nên các bướu nhân và gây viêm tuyến giáp.
+ Bướu đa nhân tuyến giáp: tên gọi khác là bướu cổ dùng để chỉ tình trạng tuyến giáp bị tăng kích thước quá mức. Nguyên nhân thường là do cơ thể bị thiếu iot hay do rối loạn khác ở tuyến giáp.
+ Ung thư tuyến giáp: bướu nhân tuyến giáp có thể phát triển thành dạng ung thư, mặc dù ít gặp nhưng điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra.
2. Bướu nhân tuyến giáp có triệu chứng gì?
– Hầu hết các bướu nhân tuyến giáp không có các triệu chứng lâm sàng. Bướu nhân tuyến giáp thường phát hiện khi khám vì bệnh khác hoặc khám sức khỏe có làm siêu âm tuyến giáp. Nhưng đôi khi một số bướu nhân trở nên lớn đến mức chúng có thể cảm nhận được.
+ Nhìn thấy bằng mắt thường, phát hiện vùng cổ to ra hoặc thấy khối tại vùng cổ.
+ Chèn ép khí quản hoặc thực quản khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc khó nuốt, nói khàn, đau ở vùng cổ.
– Trong một số trường hợp, các bướu nhân tuyến giáp sản xuất thêm thyroxine, một loại hormone do tuyến giáp của bạn tiết ra. Thyroxine dư thừa có thể gây ra các triệu chứng sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp), chẳng hạn như:
+ Giảm cân không rõ nguyên nhân
+ Tăng tiết mồ hôi
+ Run tay
+ Lo lắng
+ Nhịp tim nhanhhoặc không đều
3. Bướu nhân tuyến giáp có cần phải điều trị không?
+ Bướu giáp nhân không gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và không độc, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng như nghẹt thở, khó nuốt, hoặc gây áp lực lên các cơ quan xung quanh.
+ Bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ (thường là 6 tháng một lần) bởi bác sĩ chuyên khoa tuyến giáp để đánh giá sự phát triển của khối u và có những biện pháp điều trị phù hợp nếu cần.
+ Phương pháp điều trị có thể bao gồm việc thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u, sử dụng thuốc giảm kích thước khối u hoặc điều chỉnh hormone tuyến giáp. Quyết định về phương pháp điều trị được đưa ra dựa trên kích thước của khối u, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải và mong muốn của bệnh nhân.
+ Điều trị đúng phương pháp và theo dõi định kỳ giúp giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc quyết định điều trị và theo dõi chi tiết phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân nên tìm kiếm sự tư vấn và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và điều trị đúng cách.
_______________________________________________________________________________________________________
Thạc sĩ Bác sĩ. Nguyễn Chí Hiếu
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quốc Dũng, Vũ Trung Chinh, Nguyễn Quang Trung (2023), “Mô tả đặc điểm lâm sàng, siêu âm, chọc hút tế bào kim nhỏ của bướu giáp nhân, đối chiếu giải phẫu bệnh sau mổ”, Tạp Chí Y học Việt Nam, 532(1).
2. Marwaha RK, Tandon N, Ganie MA, et (2018), “Status of thyroid function in Indian adults: two decades after universal salt iodization”, J Assoc Physicians India, pp. 32-36.