Ung Thư Đại Trực Tràng

UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

1. Định nghĩa 

Đại tràng và trực tràng là một phần của hệ tiêu hóa. Đại tràng còn gọi là ruột già hay ruột kết, còn trực tràng nối đại tràng với hậu môn. Ung thư đại trực tràng là tình trạng các tế bào ác tính hình thành trong các mô đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư đại tràng và trực tràng thường được nhóm chung vì có nhiều đặc điểm giống nhau.

Theo thống kê của Globocan, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2020. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi. Tỷ lệ mắc mới năm 2020 là 16.426 ca và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng trong năm này là 8.203 trường hợp.

 

2.Nguyên nhân

Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên cùng tuổi tác. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng là:

  • Tổn thương tiền ung thư: viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại tràng (đặc biệt là polyp biểu mô tuyến dạng ống và nhung mao).
  • Hội chứng di truyền: hội chứng Lynch, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.
  • Tiền sử gia đình có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
  • Chế độ ăn: nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi.
  • Sử dụng thực phẩm chứa benzopyren, nitrosamin…
  • Lối sống tĩnh tại, béo phì.
  • Lạm dụng thuốc lá và rượu bia.

Có yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng không khẳng định một người chắc chắn sẽ bị ung thư đại trực tràng. Ngược lại, một số người có thể bị ung thư đại trực tràng mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.

3. Triệu chứng

Tùy vào kích thước, vị trí và giai đoạn khối u mà ung thư đại trực tràng có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. 

Một số triệu chứng thường gặp là:

  • Thay đổi thói quen đi ngoài.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Đi ngoài ra nhầy máu (triệu chứng thường gặp nhất).
  • Thường xuyên đầy hơi, chướng bụng, đau bụng.
  • Sờ thấy khối u qua thành bụng.
  • Thiếu máu.
  • Sút cân không rõ nguyên nhân.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Hạch thượng đòn, cổ trướng (trong trường hợp di căn).

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Đó không nhất định là ung thư đại trực tràng mà có thể là bệnh lý đường tiêu hóa khác. Nhưng dù là tình trạng nào cũng cần được điều trị sớm.

4. Chẩn đoá

Ung thư đại trực tràng được chẩn đoán qua khám lâm sàng và cận lâm sàng. Khám lâm sàng dựa trên các triệu chứng cơ năng, thực thể và toàn thân. Khám cận lâm sàng sử dụng nội soi, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và mô bệnh học.

Một số phương pháp được áp dụng để chẩn đoán ung thư đại trực tràng là:

  • Nội soi đại trực tràng ống mềm kết hợp sinh thiết: Đây là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, cung cấp hình ảnh, vị trí và đặc điểm khối u.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 19-9.
  • Xét nghiệm huyết học và hóa sinh máu.
  • Chụp X-quang bụng: Sử dụng khi có biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột.
  • Siêu âm: Đánh giá tổn thương tại gan và toàn bộ ổ bụng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Giúp đánh giá tổn thương u đại trực tràng và di căn xa, nhạy hơn so với siêu âm.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Áp dụng trong chẩn đoán di căn gan và đánh giá tổn thương tại chỗ.
  • Chụp PET/CT, xạ hình xương, xạ hình gan…
  • Mô bệnh học: Là phương pháp quyết định nhất để khẳng định ung thư.

 

5. Điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng. Tùy vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ áp dụng một vài hoặc nhiều phương pháp điều trị cùng lúc. Điều trị ung thư giai đoạn sớm lúc nào cũng đơn giản và hiệu quả hơn so với điều trị khi ung thư đã di căn. 

a. Phẫu thuật

Phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất để điều trị ung thư đại trực tràng. Tùy theo từng giai đoạn để quyết định phương pháp và phạm vi phẫu thuật. 

Phẫu thuật có thể kết hợp cùng các phương pháp bổ trợ khác, thường là hóa trị, xạ trị để nâng cao hiệu quả loại bỏ tế bào ung thư, hạn chế nguy cơ ung thư tái phát.

b. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc cả hai. Cách thực hiện và mục đích hóa trị sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn ung thư.

c. Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển. Có hai loại xạ trị là xạ trị bên ngoài và xạ trị bên trong. Xạ trị có thể thực hiện trước và sau phẫu thuật, hoặc sử dụng như một liệu pháp giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

d. Điều trị đích

Liệu pháp điều trị đích sử dụng các loại thuốc như bevacizumab, cetuximab, panitumumab để tấn công, ngăn chặn sự phát triển hoặc lây lan của tế bào ung thư. Điều trị đích thường kết hợp cùng hóa trị để điều trị cho ung thư đại trực tràng giai đoạn tái phát, di căn.

e. Điều trị miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của chính người bị ung thư để làm khối u thu nhỏ hoặc phát triển chậm lại. Phương pháp này thường được sử dụng ở bệnh nhân bị ung thư đại tràng di căn mà hóa trị không hiệu quả.

Sau khi điều trị, cần tiếp tục tái khám và thực hiện một số xét nghiệm định kỳ để theo dõi, kịp thời phát hiện nếu ung thư tái phát. 

6. Phòng ngừa 

Có một số yếu tố nguy cơ ung thư không thể thay đổi như di truyền, tuổi tác; nhưng một số yếu tố khác có thể thay đổi được bằng cách thay đổi lối sống hoặc điều trị dự phòng. Việc phòng ngừa không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt; ăn vừa phải thịt đỏ và hạn chế mỡ động vật.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc lá
  • Uống rượu bia có điều độ
  • Kiểm soát và điều trị các bệnh lý đại trực tràng
  • Cắt polyp dự phòng

Tầm soát ung thư đại trực tràng là phương pháp được sử dụng ở những người không có triệu chứng ung thư. Những người trên 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng, hoặc sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Hầu hết các trường hợp ung thư đại trực tràng bắt đầu dưới dạng các polyp phát triển bất thường tại niêm mạc. Những polyp này có thể phát triển như một khối u lành tính trước khi trở thành ung thư. Việc phát hiện và loại bỏ các polyp này sẽ giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.

Hiện nay, việc tầm soát ung thư đại trực tràng đã trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ phương pháp nội soi đại tràng không đau. Qua nội soi có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm trước khi các triệu chứng xuất hiện, nhờ đó bệnh nhân được điều trị sớm, nâng cao khả năng chữa khỏi và hồi phục.


BS CKI. Đặng Vũ Trường

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Bộ Y Tế (2018), Quyết định số 2549/QĐ-BYT về việc Ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Ung thư đại – trực tràng“, Hà Nội.
  2. Benson S., Venook P.(2018), NCCN Guidelines Insights: Colon Cancer, Featured Updates to the NCCN Guidelines.