Hội chứng vành cấp

Hội chứng vành cấp 

Hội chứng vành cấp là gì ?

Hội chứng vành cấp (ACS: acute coronary syndrome) là một tình trạng cấp tính của bệnh lý tim mạch, liên quan đến mạch vành (mạch máu chính nuôi tim) thường biểu hiện rầm rộ và đe dọa tính mạng người bệnh.

ACS thực sự nguy hiểm như thế nào ?

Bệnh mạch vành nói chung là nguyên nhân bệnh tật và tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới và có xu hướng tập trung ở các nước có thu nhập trung bình thấp. Theo ước tính của Mỹ, hiện có khoảng 13 triệu người mắc bệnh và bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong ở cả nam lẫn nữ. Ở độ tuổi trung niên, tỉ lệ nam mắc bệnh mạch vành nhiều hơn nữ, tuy nhiên tỷ lệ này tăng cao gấp 2-3 lần ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch nào dễ dẫn đến ACS?

  • Nhóm I: can thiệp điều trị chắc chắn cải thiện tiên lượng bệnh động mạch vành bao gồm hút thuốc lá, tăng LDL-c, tăng huyết áp, phì đại thất trái, các yếu tố sinh huyết khối.
  • Nhóm II: can thiệp điều trị nhiều khả năng cải thiện tiên lượng bệnh động mạch vành bao gồm đái tháo đường, HDL-c thấp, béo phì, ít vận động thể lực.
  • Nhóm III: can thiệp điều trị có thể làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành bao gồm các yếu tố tâm lý xã hội, trầm cảm, lo âu, tăng triglyceride máu, tăng lipoprotein a, tăng homocystein máu, stress oxy hóa, uống rượu nhiều.
  • Nhóm IV: yếu tố nguy cơ không thể thay đổi bao gồm giới tính nam, tiền sử gia đình bệnh mạch vành sớm (nam <55, nữ < 65), tuổi ( nam>45, nữ >55).

         Đây là những yếu tố nguy cơ nên loại bỏ (trừ các yếu tố không thể thay đổi) để phòng ngừa bệnh mạch vành nói chung.

 

Biểu hiện của ACS như thế nào ?

Biểu hiện của ACS thường gặp là đau ngực. Đau ngực có đặc điểm điển hình như: vị trí đau thường sau xương ức, tính chất đau thắt, đè nặng, hướng lan đến cổ, hàm dưới, vai và cánh tay trái hơn tay phải.

  • Đau ngực lúc nghỉ và kéo dài > 20 phút.
  • Đau ngực dữ dội, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với nitroglycerin ngậm hay xịt dưới lưỡi.
  • Các triệu chứng kèm theo như vã mồ hôi, khó thở, tụt huyết áp, đôi khi có thể dẫn đến ngừng tim.

Triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh lý đi kèm. Nhóm đối tượng có thể biểu hiện triệu chứng không điển hình bao gồm các bệnh nhân nữ, lớn tuổi, mắc đái tháo đường kèm theo. Các biểu hiện khác của ACS bao gồm:

  • Khó thở.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Nhịp tim nhanh, hồi hộp.
  • Cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt.
  • Ngất xỉu.
  • Mệt mỏi bất thường.

Cần làm gì nếu phát hiện một tình trạng đau ngực nghĩ nhiều đến ACS?

  • ACS là một cấp cứu nội khoa. Khi có biểu hiện nghi ngờ ACS cần nhanh chóng đến trung tâm y tế gần nhất. Can thiệp mạch vành sớm, tái lập nhanh chóng dòng máu mạch vành là yếu tố quan trọng cải thiện tiên lượng bệnh nhân. Với khẩu hiệu “ thời gian là cơ tim “ – càng chậm trễ trong điều trị tái tưới máu, càng nhiều cơ tim bị hư hại.
  • Không nên trì hoãn đến trung tâm y tế gần nhất bởi khả năng đột tử do rối loạn nhịp là cao nhất trong những giờ đầu.

Chẩn đoán ACS:

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng toàn diện. Khi nghi ngờ ACS các cận lâm sàng sau có thể được thực hiện:

  • ECG thường là cận lâm sàng đầu tiên mà bác sĩ sẽ thực hiện. Nó đo hoạt động điện của tim bạn. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ được dán những miếng đệm nhỏ vào ngực và các vùng khác trên cơ thể.
  • Xét nghiệm máu: một số xét nghiệm máu giúp chỉ ra nguyên nhân gây đau ngực. Xét nghiệm máu troponin có thể cho thấy các tế bào trong tim bạn có bị tổn thương hay không.
  • Siêu âm tim: thăm dò siêu âm sử dụng sóng âm thanh để khảo sát trái tim của bạn. Nó cho thấy tim của bạn có bị tổn thương hay không cũng như phát hiện một số bất thường về tim khác.

Điều trị:

  • Điều trị gồm 2 thành phần là điều trị nội khoa và điều trị tái tưới máu, trong đó điều trị nội khoa là điều trị nền tảng. Can thiệp mạch vành qua da là thủ thuật trong đó một ống lưới thép gọi là stent có thể được đặt vĩnh viễn trong động mạch để giữ cho động mạch luôn thông thoáng. Ở những bệnh viện không được trang bị để thực hiện nong mạch nhanh chóng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc làm tan cục máu đông. Một số trường hợp vị trí tắc không phù hợp để đặt stent bệnh nhân có thể được phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
  • Mục tiêu cấp cứu bao gồm giảm đau, phục hồi tái tưới máu, ngăn ngừa biến chứng, theo dõi và đánh giá tình trạng người bệnh và xác định kế hoạch điều trị tiếp theo.
  • Mục tiêu lâu dài bao gồm phòng ngừa các biến cố tim mạch, làm chậm tiến triển bệnh mạch vành, cải thiện chức năng tim và chất lượng cuộc sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Một số lời khuyên để ngăn ngừa bệnh mạch vành:

  • Bỏ hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30-45 phút mỗi ngày tùy theo tình trạng sức khỏe.
  • Giảm cân.
  • Ăn uống lành mạnh: giảm chất béo, thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, giảm lượng muối và giảm uống rượu
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh các stress trong công việc, gia đình và xã hội.

Với nguyên tắc “Thời gian là cơ tim”, bệnh nhân càng được chẩn đoán và điều trị tái tưới máu sớm, vùng cơ tim được cứu sống càng nhiều. Trong đó xét nghiệm Troponin siêu nhạy giữ vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán sớm ACS, giúp cải thiện đáng kể tiên lượng người bệnh.

Bệnh Viện Đa Khoa Hoàng Tuấn triển khai thực hiện xét nghiệm Troponin siêu nhạy với thời gian quay vòng cho kết quả nhanh (trong vòng < 1 giờ), đảm bảo được qui trình chẩn đoán nhanh 0h-1h như các khuyến cáo hiện hành. Qua đó người bệnh được chẩn đoán sớm hơn, góp phần rút ngắn thời gian được tái tưới máu, giảm đáng kể vùng cơ tim bị hư hại.

Đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh Viện Đa khoa Hoàng Tuấn cũng được tập huấn và cập nhật liên tục về các hướng dẫn điều trị ACS, cùng với các trang thiết bị, cận lâm sàng đầy đủ giúp nhận biết và chẩn đoán kịp thời cho người bệnh.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !


Bác sĩ CKI. Trần Tấn Đạt 
Bác sĩ. Trương Anh Dũ 

Tài liệu tham khảo: 

  1. Hoàng Văn Sỹ, Quách Trọng Đức (2022). Tiếp cận chẩn đoán nội khoa, Tp. Hồ Chí Minh: Đại học quốc gia.
  2. Hoàng Văn Sỹ, Quách Trọng Đức, Lê Thượng Vũ (2023). Tiếp cận điều trị bệnh nội khoa, Tp. Hồ Chí Minh: Đại học quốc gia
  3. Byrne RA, Rossello X, Coughlan JJ, Barbato E, Berry C. et al. 2023 ESC Guidelines for the management of acute coronary syndromes. Eur Heart J. 2023 Oct 12;44(38):3720-3826. doi: 10.1093/eurheartj/ehad191. PMID: 37622654.
  4. Acute coronary syndrome. (n.d.). Www.heart.org. Retrieved February 6, 2024, from https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/about-heart-attacks/acute-coronary-syndrome.
  5. Acute coronary syndrome. (n.d.-b). Mount Sinai Health System. Retrieved February 6, 2024, from https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/acute-coronary-syndrome.